Aug 28, 2017

‘Hãy dùng smartphone’ hay văn hóa đi bảo tàng kiểu Nhật

Với những người thích khám phá văn hóa, nghệ thuật trong mỗi chuyến du lịch, bảo tàng là một điểm đến không thể bỏ qua. Và Nhật Bản có thể coi là đất nước của bảo tàng.

Bạn có thể kiểm chứng một cách rất đơn giản. Hãy tìm kiếm từ khóa “museum” ở quanh khách sạn bạn trú chân tại bất cứ thành phố nào ở Nhật. Chắc chắn bạn sẽ nhận được ít nhất 1 hoặc 2, thậm chí nhiều hơn những điểm đến là bảo tàng mà có thể chỉ cần đi bộ dăm phút là tới. Tôi đã trải nghiệm điều này ở 3 thành phố Tokyo, Nagoya và Kyoto.

Ý thức bảo tồn và duy trì những giá trị văn hóa, lịch sử đã giúp Nhật Bản có một hệ thống bảo tàng cực kỳ đa dạng: từ những bảo tàng của chính phủ, thành phố tới bảo tàng tư nhân, bảo tàng theo chủ đề và rất nhiều bảo tàng được xây dựng gần đây. Đặc biệt, đáng chú ý là hệ thống các bảo tàng tư nhân.

Theo chị Sophie Richard, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật người Pháp, bảo tàng tư nhân ở Nhật Bản là một điểm rất riêng biệt và độc đáo của đất nước này. “Nếu các nhà sưu tập nghệ thuật ở phương Tây thường thích đưa tác phẩm của mình tới các bảo tàng lớn để trưng bày, thì ở Nhật, các nhà sưu tập lại tự xây dựng bảo tàng riêng để trưng bày. Phương thức vận hành các bảo tàng tư nhân ở Nhật Bản cực kỳ chuyên nghiệp, dù đó là bảo tàng nhỏ của gia đình hay của một dòng họ, tập đoàn”, chị Sophie nhận định.

Sophie Richard là tác giả của cuốn sách The art’s lover guide to Japanese museums ra mắt năm ngoái, rất được độc giả châu  Âu và Mỹ yêu thích. Đây là tư liệu rất có giá trị cho những ai muốn khám phá thế giới bảo tàng ở Nhật Bản. Điều đáng chú ý là trong cuốn sách, tác giả đặc biệt đánh giá cao và khuyến khích người yêu nghệ thuật ghé thăm các bảo tàng tư nhân tại Nhật Bản bên cạnh các bảo tàng nổi tiếng của quốc gia.

Và chúng tôi đã ghé thăm một bảo tàng tư nhân như thế ở Nagoya: Bảo tàng nghệ thuật Menard (MAM).

Nhắc tới MAM, giới mộ điệu ở Nhật Bản nói tới một bộ sưu tập mỹ thuật cá nhân vô giá, với con số xấp xỉ 1.400 tác phẩm của những tác giả kéo dài trong lịch sử hội họa thế giới. Ở đây, người ta có thể thưởng lãm những tác phẩm của Picasso, Van Gogh, Matisse, Morikazu Kumagai hay Marc Chagall…

��Hay dung smartphone�
Một góc không gian của bảo tàng Menard Art Museum (MAM).

Có một cơ duyên nào đó khiến chúng tôi bước qua cánh cửa chính của MAM đúng thời điểm bảo tàng này đang kỷ niệm 30 năm thành lập (1987-2017). Và chúng tôi cũng thật may mắn được một trong những người đã làm việc ở đây suốt 30 dẫn tham quan bảo tàng, thưởng lãm tác phẩm. Đó là chị Kumi Murakami, Phó giám đốc MAM.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, chị Kumi đã vào làm việc tại MAM, và suốt 30 năm qua, đây giống như ngôi nhà thứ hai của chị. “Hàng ngày tôi tới đây làm việc, chăm sóc những tác phẩm và không gian của bảo tàng, cùng các đồng nghiệp lựa chọn những đề tài trưng bày hàng tháng, hàng quý rồi hàng năm… Những công việc đó diễn ra 30 năm qua, chợt nghe tưởng chừng có gì đó tẻ nhạt nhưng với tôi thì công việc đó chưa bao giờ hết thú vị!”, chị Kumi chia sẻ.

MAM được ra đời từ ý tưởng của người sáng lập hãng mỹ phẩm nổi tiếng Nhật Bản Menard, ông Nonogawa Daisuke và vợ ông, bà Mitsuko. Ngoài lý do muốn mở cửa bộ sưu tập nghệ thuật của mình tới đông đảo công chúng thưởng lãm, ông Nonogawa còn muốn thực hiện một trong năm triết lý của mình trong kinh doanh, đó là chăm sóc cả vẻ đẹp tâm hồn con người bằng văn hóa và nghệ thuật.

30 năm qua, bộ sưu tập của gia đinh Daisuke vẫn tiếp tục được bổ sung và MAM chưa bao giờ thiếu tác phẩm trưng bày.

Với diện tích không gian vừa phải, thường MAM chỉ trưng bày 1/10 tác phẩm trong bộ sưu tập. Tuy nhiên, các trưng bày đều có chủ đề cụ thể và được sắp đặt một cách rất tỉ mỉ đễ dẫn dắt cảm xúc du khách khi thưởng lãm.

Như đã nói ở trên, chúng tôi là những vị khách tham quan khá may mắn khi có người hướng dẫn khi tham quan MAM. Thông thường khách tới đây chỉ nhận vài tờ rơi giới thiệu sơ lược, và phải hoàn toàn chủ động chuyến du ngoạn nghệ thuật của mình.

Và điều này dẫn đến một hình ảnh mà bạn sẽ bắt gặp rất nhiều ở các bảo tàng tại Nhật Bản: những khách tham quan với chiếc smartphone trên tay. Không phải để họ chụp lại hay quay lại gì đâu, điều đó đa số bị cấm ở các không gian bảo tàng tại Nhật Bản. Chiếc điện thoại thông minh hay chiếc máy tính bảng chính là người hướng dẫn, người đồng hành cùng bạn.

��Hay dung smartphone�
Sử dụng thiết bị di động thông minh thay vì có hướng dẫn viên đã trở thành một nét văn hóa riêng của người Nhật khi đi bảo tàng. 

Giống như nhiều bảo tàng lớn trên thế giới, không ít viện bảo tàng tại Nhật Bản cũng có các ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ du khách khi tham quan. Thậm chí các ứng dụng này được xây dựng rất sống động, lôi kéo người sử dụng tương tác trực tiếp với hiện vật, công trình, tác phẩm… tạo hứng thú đặc biệt là với trẻ em với bảo tàng.

Nhưng kể cả không có ứng dụng, không cần có quá nhiều kiến thức, chỉ cần thực sự đam mê nghệ thuật, đứng trước 1 bức tranh trong bảo tàng, bạn cũng có thể có mọi thông tin hiểu biết về tác giả và tác phẩm mình đang được chiêm ngưỡng.

Chị Kumi cho biết: “Việc sử dụng thiết bị di động để trao cứu, tìm hiểu là thói quen đã được hình thành từ nhiều năm nay của người Nhật Bản. Chính vì thế giờ đây, gần như chúng tôi không còn phải thực hiện dịch vụ hướng dẫn cho du khách, nhân viên chủ yếu có nhiệm vụ quan sát và nhắc nhở du khách tuân thủ các quy định của bảo tàng mà thôi”.

Với ông bà Tatsusita, tuổi đã ngoài 60, những khách tham quan chúng tôi được gặp ở MAM, chiếc iPad đôi khi còn hiệu quả hơn người hướng dẫn. “Có những điều nảy ra trong đầu khi chúng tôi chiêm ngưỡng một tác phẩm, và chỉ cần tìm kiếm trên iPad là có thể có ít nhiều những gợi ý thú vị với điều mình băn khoăn”.

Tuy nhiên, cuối cùng thì chẳng có chiếc smartphone hay tablet nào có thể thay thế được đôi mắt và tâm hồn của bạn. Kiến thức hay thông tin vô vàn đến đâu cũng chẳng có giá trị gì nếu bạn không thể rung động trước cái đẹp, trước những tuyệt tác nghệ thuật của nhân loại. Và hãy tin rằng tới Nhật Bản, nếu là một người ham mê khám phá bảo tàng, bạn đã đến đúng nơi rồi đấy!

VietBao.vn


Nguồn:
Share:

0 nhận xét:

Post a Comment

tien te hoa web

Blog Archive